BẢO DƯỠNG ĐỊNH KỲ

Bảo dưỡng xe máy được ví như việc “chăm sóc sức khỏe định kỳ” cho xe. Tuy nhiên nhiều chủ xe vẫn chưa nắm được những hạng mục cụ thể bảo dưỡng xe máy gồm những gì, thời gian thực hiện hay các lưu ý khi bảo dưỡng khiến hoạt động này chưa phát huy được hết lợi ích vốn có.

1. Bảo dưỡng xe máy gồm những gì?

Bảo dưỡng xe máy là công việc mang tính định kỳ, phát hiện sớm những chi tiết trục trặc, hư hỏng và có hướng sửa chữa kịp thời, giúp xe vận hành mượt mà, tăng tuổi thọ cho phương tiện.

Không ít người nhầm tưởng rằng bảo dưỡng xe máy là nghĩa vụ của nhà sản xuất. Thực tế, bảo hành và bảo dưỡng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Theo đó, bảo hành là trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất với các phụ tùng, lỗi lắp ráp trong thời gian cam kết. Mặt khác, bảo dưỡng là công việc mà chủ xe chủ động thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm giúp xe vận hành ổn định.

Bảo dưỡng xe máy nên được thực hiện định kỳ. Các bộ phận cần bảo dưỡng gồm:

  • Dầu nhớt: Xe bị khô nhớt có thể làm giảm khả năng ma sát, động cơ bị mài mòn, ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành của xe. Nhà sản xuất thường khuyến cáo người dùng nên thay nhớt cho xe sau mỗi 2.000 – 3.000km sử dụng.
  • Dầu phanh và má phanh: Theo thời gian, má phanh sẽ bị mài mòn dẫn đến cong vênh đĩa phanh. Ngoài ra, dầu phanh có thể bị cạn kiệt hoặc nhiễm tạp chất dẫn tới giảm ma sát. Do đó, nhà sản xuất khuyến nghị chủ xe nên thay mới dầu phanh và má phanh sau mỗi 15.000 – 20.000km sử dụng.
  • Dầu láp: Dầu láp khô có thể gây tiếng ồn động cơ, giảm hiệu quả của hệ thống truyền động. Dầu láp được khuyến nghị thay mới sau 3 lần thay dầu máy.
  • Lọc gió: Khi lọc gió bị bẩn, nhiên liệu sẽ không được đốt cháy hết gây muội than, tiêu hao nhiên liệu. Vì vậy, chủ xe nên bảo dưỡng, vệ sinh lọc gió định kỳ sau mỗi 10.000km xe vận hành.
  • Bugi: Đây là bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến khả năng đánh lửa của xe máy. Sau một thời gian sử dụng, bugi có thể bị bám bẩn hoặc hư hỏng khiến xe khó nổ máy hoặc bị tắt máy đột ngột. Do đó, nhà sản xuất khuyến nghị người dùng vệ sinh bugi sau mỗi 10.000km, đảm bảo hệ thống đánh lửa hoạt động bình thường.
  • Dây curoa: Đây là bộ phận quan trọng trong hệ truyền động của xe máy. Dây curoa có thể bị mài mòn theo thời gian, cần được bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 8.000km nhằm hạn chế sự cố do đứt dây, ảnh hưởng đến vận hành.
  • Nước làm mát: Khi nước làm mát bị nhiễm bẩn hoặc hao hụt do bị rò rỉ, xe dễ bị nóng máy, thậm chí vỡ lốc máy. Do đó, hệ thống nước làm mát cần được bổ sung thường xuyên, tốt nhất là sau khoảng mỗi 10.000km để đảm bảo động cơ hoạt động trong điều kiện nhiệt độ ổn định.
  • Săm lốp: Bộ phận này dễ bị hao mòn sau một thời gian sử dụng, làm giảm độ bám đường. Do đó, người dùng nên kiểm tra tình trạng săm lốp định kỳ 6 tháng/lần để thay thế kịp thời.

2. Bảo dưỡng xe máy hết bao nhiêu tiền?

Tùy nhu cầu, chủ xe có thể chọn bảo dưỡng đơn lẻ (từng bộ phận) hay trọn gói (toàn bộ). Đối với bảo dưỡng từng bộ phận, mức chi phí dưỡng xe máy dao động từ vài chục cho đến vài trăm nghìn đồng.

Bảo dưỡng xe máy bao gồm nhiều hạng mục từ đơn giản đến phức tạp (Nguồn: Sưu tầm)

Tham khảo giá bảo dưỡng xe máy của các bộ phận dưới đây:

  • Thay dầu nhớt máy: 90.000 – 150.000 VNĐ
  • Bộ chế hòa khí, lọc gió: 40.000 – 60.000 VNĐ
  • Bugi: 10.000 – 20.000 VNĐ
  • Cổ phốt xe máy: 50.000 – 70.000 VNĐ
  • Motor đề: 30.000 – 50.000 VNĐ
  • Dây phanh/bát phanh: 15.000 – 30.000 VNĐ
  • Giảm sóc trước/sau: 30.000 – 70.000 VNĐ
  • Dây ga: 50.000 VNĐ
  • Dây công tơ mét: 20.000 VNĐ.

Nếu bảo dưỡng toàn bộ xe, chi phí bảo dưỡng dao động từ 300.000 – 1.000.000 VNĐ tùy vào tình trạng thực tế của xe.

3. Quy trình bảo dưỡng xe máy gồm những gì?

Quá trình bảo dưỡng xe máy cần sự hỗ trợ của nhiều máy móc, thiết bị và phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Quy trình bảo dưỡng xe máy tại các cơ sở sửa chữa, trung tâm dịch vụ sẽ bao gồm các bước:

  • Bước 1: Kiểm tra áp suất hơi của lốp và bổ sung ngay nếu chưa đủ. Nhân viên kỹ thuật cũng sẽ kiểm tra chân chống, gác chân để đảm bảo những bộ phận này còn đầy đủ và chắc chắn.
  • Bước 2: Kiểm tra động cơ và bugi có phát ra tiếng động lạ không. Nếu khi quan sát thấy bugi có màu nâu sẫm, động cơ có thể được xem như đang hoạt động bình thường. Mặt khác, bugi có màu trắng sáng hoặc đen có nghĩa là động cơ hoạt động chưa đạt công suất tối ưu nhất.
  • Bước 3: Kiểm tra dầu nhớt có cần thay mới không.
  • Bước 4: Kiểm tra hệ thống điện bao gồm chế độ nạp điện cho ắc quy, hệ thống đánh lửa nhằm tiết kiệm nhiên liệu tối đa cho người dùng.
  • Bước 5: Kiểm tra dung lượng, điện áp của ắc quy và xem ắc quy có nguy cơ rò rỉ hay không. Từ đó kỹ thuật viên sẽ có phương án thay mới hoặc sửa chữa kịp thời cho phương tiện.
  • Bước 6: Kiểm tra xích truyền động và khả năng truyền động của bộ ly hợp, bổ sung chất bôi trơn để hạn chế mài mòn các bộ phận truyền động, đảm bảo khả năng vận hành mượt mà, giảm thiểu tiếng ồn động cơ.
  • Bước 7: Kiểm tra hệ thống phanh có cần thay mới hay bổ sung mỡ bôi trơn hay không.
  • Bước 8: Vệ sinh bình xăng, loại bỏ tạp chất và bụi bẩn để đảm bảo hiệu suất đốt cháy, tiết kiệm nhiên liệu.
  • Bước 9: Vệ sinh hệ thống lọc gió xe để tối ưu công suất khi xe vận hành, tránh làm nóng động cơ và hao xăng.
  • Bước 10: Kiểm tra sườn xe để đảm bảo niềng trước sau không bị mục, sau đó kiểm tra cổ lái và tay lái để giảm thiểu nguy cơ bạc đạn bị lỏng hoặc vỡ gây mất an toàn khi điều khiển xe.

4. Nên bảo dưỡng xe máy ở đâu?

Hiện nay, chủ xe có thể lựa chọn dịch vụ bảo dưỡng xe máy tại trung tâm dịch vụ của hãng hoặc cơ sở sửa chữa chuyên nghiệp gần nhất. Tuy nhiên, trước thực trạng một số cơ sở kém uy tín đánh tráo phụ tùng, đẩy mức giá lên cao, khách hàng cần lưu ý tìm ra những địa chỉ bảo dưỡng chính hãng.

Ngoài ra, chủ xe nên tham khảo bảng giá dịch vụ bảo dưỡng, giá thay thế phụ tùng trước khi thực hiện để trải nghiệm dịch vụ với mức chi phí hợp lý. .

Honda Việt Nam